algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

ĐỂ TIẾNG NHẬT KHÔNG CÒN LÀ NỖI SỢ HÃI CỦA BRSE. Phần 2: Nghe tốt


PHẦN 2: ĐỂ NGHE TỐT (CHỦ ĐỀ SỐ 1: TRAO ĐỔI TRỰC TIẾP)

Tiếp theo ĐỂ TIẾNG NHẬT KHÔNG CÒN LÀ NỖI SỢ HÃI CỦA BRSE. Phần 1: Nói tốt, BrSE Nguyễn Thu Hiền tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong giao tiếp bằng tiếng Nhật với khách hàng trong ‘Phần 2 – Để nghe tốt’.

Như Phần 1 đã chia sẻ với các bạn về kỹ năng học nói, NÓI tốt rồi, muốn NGHE tốt thì bạn hãy thử áp dụng một vài mẹo đơn giản sau nhé! 

Học thuộc tên riêng 

Ngay sau khi được cử vào ngồi tại văn phòng của khách hàng, mình khuyên các bạn trước khi học trời học biển gì thì hãy xem cái sơ đồ tổ chức của họ, cố gắng học thuộc tên phòng ban, đơn vị, tên các nhóm trong sơ đồ đó! 

Sau đó, tìm hiểu xem khách hàng đang sử dụng các tools, các apps gì, tên các servers, tên các partners đang hợp tác với khách hàng. 

Đó là những từ chắc chắn sẽ xuất hiện rất nhiều trong các cuộc hội thoại của khách hàng, nếu không biết, khi nghe nhắc đến và lầm tưởng đó là 1 từ vựng mình chưa học, sự sợ hãi, hoang mang sẽ làm cản trở sự tiếp thu của bạn. Ngược lại, nếu tìm hiểu trước, câu chuyện sẽ trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, hãy học thuộc tên của những người có liên quan đến công việc của mình. Mình biết tên người Nhật khó đọc, khó nhớ lắm, nhưng hãy cố gắng, mỗi ngày 2-3 cái tên thôi. Vì cũng như mình nói ở trên, những cái tên đó sẽ xuất hiện rất nhiều trong emails, trong các cuộc nói chuyện, cuộc họp, và quan trọng nhất là khi nghe điện thoại, họ xưng tên, mình còn biết đó là người nào. 

Lướt qua những cụm từ không quan trọng

Người Nhật nói rất nhanh, mình để ý khẩu hình miệng của người Nhật khi nói mở rất ít, vì họ phải nói nhanh, phát âm từ trước mà mở miệng to đến từ sau muốn khép không khép kịp ý! Nói đùa vậy thôi, theo cá nhận mình thì họ phải nói nhanh vì trong câu nói của họ có rất nhiều từ “không quan trọng” nếu không muốn nói là “vô nghĩa”, không nói nhanh thì đến mai không xong câu chuyện! 

Ví dụ nhé, với câu này: この件なんですけれども、ご確認させていただきたいと思います。

Thì mình chỉ cần nghe được mấy từ gạch chân bên trên là hiểu hết ý nghĩa rồi. Nhưng với người Nhật thì: nào là phải dùng tôn kính ngữ, nào là phải dùng khiêm nhường ngữ, nào là nói giảm nói tránh, nói vòng nói vo, nói mềm nói mại... khiến họ phải thêm nếm bao nhiêu là từ “vô nghĩa” vào như vậy đó! 

Vậy muốn biết từ nào chỉ cần nghe không cần để tâm thì chỉ có cách nghe càng nhiều càng tốt thôi! 

Xác định chủ thể hành động

Đã bạn nào nghe xong khách hàng giao việc mà không biết ông ấy vừa bảo việc gì sẽ giao cho mình làm chưa? Vì người Nhật trong khi nói hầu hết không dùng đại từ nhân xưng, họ không nói TÔI làm gì, BẠN làm gì,... mà ẩn trong các động từ đã hàm chứa ý nghĩa ai sẽ làm việc đó rồi. Vì vậy, muốn hiểu được chính xác ai là chủ thể của hành động, chúng ta phải sử dụng (nghe và nói) thật thành thạo các cấu trúc: てもらう、てくれる、てあげる、てさせてもらう、ていただく、させていただく、させてください、... 

Lúc học các cấu trúc câu này, bạn thấy rất đơn giản, à てくれる là ai đó làm gì cho mình, てあげるlà làm gì đó cho người khác,... nhưng vào thực tế, họ nói nhanh, ghép nhiều cấu trúc lẫn lộn khiến bạn cũng sẽ dễ dàng rối tung lên nếu chỉ học chay ngữ pháp, không thực hành nói thành thạo. Vì vậy, hãy tự thực hành nói thật nhiều, nghe thật nhiều những mẫu câu trên, mình đảm bảo trong bất kỳ cuộc họp nào các cấu trúc mình vừa nhắc đến bên trên cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. 

Đừng để đến lúc dùng đến mới chia động từ

Khi bạn học một động từ, bạn thường hay học dạng nguyên thể, nhưng khi áp dụng vào câu, động từ đó phải được chia đúng dạng, đúng thời, và đối với tiếng Nhật thì rất nhiều trường hợp động từ sau khi chia chả còn giống gì động từ gốc kể cả về cách viết lẫn cách đọc. 

Ví dụ động từ “đến” là くる nhưng “có thể đến” là こられる nghe như chẳng liên quan gì đến nhau. Nếu bạn chỉ học chay rằng đó là động từ thuộc nhóm 3, rồi học thuộc nguyên tắc chia động từ nhóm 3, mà không chia động từ đó ở các thời hiện tại, quá khứ, dạng dài, dạng ngắn, dạng khiêm nhường, tôn kính...không đặt câu và không tập nói thành thạo thì đến khi nghe người Nhật nói bạn không thể nhận ra đó là từ mình đã học rồi. 

Khi học về động từ, hãy chia động từ đó ở tất cả các thể, các dạng dài ngắn, đặt câu với các dạng khác nhau của động từ đó, đọc to lên để tai quen với phát âm của động từ đó để khi giao tiếp ta sẽ có phản xạ bật ra từ đó nhanh hơn.

Nghe mọi lúc mọi nơi

Giữa 4 bề toàn người Nhật, tiếng Nhật luôn văng vẳng bên tai, đối với 1 số bạn đó là áp lực, là sự sợ hãi, nhưng tại sao bạn không nghĩ rằng đó là cơ hội tuyệt vời không phải ai cũng có, là môi trường hoàn hảo mà những người học tiếng Nhật ở Việt Nam có mơ cũng không có được. 

Hãy lắng nghe bất kể khi nào, không chỉ trong các cuộc họp, trong khi trao đổi trực tiếp với khách hàng, mà cả khi chờ thang máy, khi chờ xếp hàng ăn trưa, khi đi trên tàu điện... bất kể khi nào có người nói tiếng Nhật bên tai, hãy lắng nghe! Từ nào không hiểu, hãy ghi nhớ trong đầu lúc tiện thì tra từ điển, bạn sẽ nhớ rất lâu, vì bạn học từ đó từ tình huống thực tế, không phải học chay trong sách trong vở. 

Khi về nhà chỉ có 1 mình với 4 bức tường, hãy bật Tivi chương trình Nhật, Tivi bên Nhật có thể thiết lập chế độ hiển thị phụ đề tiếng Nhật, nên bạn không phải lo trình độ của mình chưa đủ hiểu, cứ bật lên nghe 1 cách thụ động, không cần hiểu hết nội dung câu chuyện, chỉ cần để cho mình được đắm chìm trong môi trường tiếng Nhật, thu nạp được một vài từ, vài câu mới sau 30 phút là bạn đã thành công rồi! 

Xem phim có phụ đề là cách học kinh điển để nâng cao khả năng nghe với hiệu quả không ngờ khi học bất kỳ ngoại ngữ nào và tiếng Nhật cũng không ngoại lệ. Vậy thì tại sao cứ mỗi cuối tuần không mở phim để vừa giải trí vừa học nhỉ? 

Còn rất rất nhiều bí kíp để có thể nghe và nói tiếng Nhật tốt hơn, bạn nào có kinh nghiệm gì hay hãy chia sẻ thêm ở phần comment nhé! 

Hẹn các bạn ở Chủ đề số 2: BÁO CÁO TIẾN ĐỘ. 

Nguyễn Thu Hiền – Osaka, 5/2019  

Đánh giá bài viết

Thích thì like
ĐỂ TIẾNG NHẬT KHÔNG CÒN LÀ NỖI SỢ HÃI CỦA BRSE. Phần 2: Nghe tốt
5/5 1 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook