algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

ĐỂ TIẾNG NHẬT KHÔNG CÒN LÀ NỖI SỢ HÃI CỦA BRSE. Phần 1: Nói tốt


Chủ đề số 1: Trao đổi trực tiếp

PHẦN 1: ĐỂ NÓI TỐT

Các bạn đã từng ở Nhật khá lâu, dù rất chăm chỉ học theo giáo trình nọ giáo trình kia, nhưng mãi vẫn chưa thể giao tiếp trôi chảy, mãi không diễn đạt được mạch lạc suy nghĩ của mình? Các bạn đã bao giờ rơi vào tình huống rất muốn giải thích 1 vấn đề mà không biết phải dùng từ gì, nói như thế nào cho người nghe hiểu được? Xin hãy chú ý đọc cẩn thận những chia sẻ từ BrSE Nguyễn Thu Hiền sau hơn 3 năm làm việc tại thị trường Nhật Bản.

Các bạn BrSE thân mến, 

Mình cũng là một kỹ sư cầu nối xuất thân từ kỹ sư CNTT, mình hiểu cách chúng ta học ngoại ngữ không giống cách mà người bình thường vẫn học, không giống cách mà các trung tâm vẫn dạy, hay các giáo trình vẫn hướng dẫn. Khoa học đã chỉ ra rằng kỹ sư chúng mình hầu hết não phải phát triển hơn não trái, nên việc học ngoại ngữ sẽ khó khăn, khổ sở hơn dân ngoại ngữ, dân ngoại thương hay thậm chí là dân không học gì rất nhiều!

Đã từng làm việc với nhiều BrSE rất giỏi kỹ thuật, nhìn thấy khó khăn, sai lầm của các bạn trong việc học tiếng Nhật, mình nhận ra rằng các bạn cần phải có cách tiếp cận đặc biệt so với mọi người. Hầu hết các bạn được cử vào ngồi ở văn phòng của khách hàng thì cũng được đào tạo tiếng Nhật 1 năm trở lên rồi, nhưng nhiều câu rất đơn giản, các bạn lại không nói được, hoặc làm cho nó phức tạp lên rất nhiều. Vì sao vậy? Vì các bạn học quá nhiều ngữ pháp, rồi tự dịch lại suy nghĩ của mình theo cách “word by word” từ tiếng Việt sang tiếng Nhật, làm rối tung cả câu lên, chưa kể câu gốc tiếng Việt của bạn lại còn lủng củng, không thoát ý, cộng hưởng lại, thành ra một câu tiếng Nhật lạ hoắc mà chưa ai nói bao giờ.

Hãy tạm gác lại việc học ngữ pháp, học từ vựng theo chủ đề! 

Học ngữ pháp nhiều rồi đến khi muốn nói một câu hoàn chỉnh, bạn phải nghĩ ít nhất vài phút xem trong trường hợp này phải dùng cấu trúc gì, động từ thể gì, chia động từ như thế nào, từ nào đặt trước, từ nào đặt sau,... làm như thế phản xạ giao tiếp của bạn sẽ chậm đi rất nhiều.

Danh sách từ vựng theo chủ đề nếu có được nạp vào đầu thì cũng chỉ là những từ CHẾT! Bạn biết từ đó, hiểu nghĩa của nó, nhưng lại không biết cách dùng nó như thế nào, nó hay đi với động từ nào, nó hay được dùng trong hoàn cảnh nào thì việc học nó không có ích gì cả, và những từ CHẾT đó mãi chỉ nằm trong đầu bạn mà thôi!

Từ kinh nghiệm bản thân, mình có vài lời gợi ý trong việc học tiếng Nhật được tổng hợp trong 5 chủ đề tương ứng với 5 việc quan trọng bậc nhất của một BrSE, chia sẻ cùng các bạn với hi vọng một ngày nào đó tiếng Nhật không còn là cản trở mà trở thành lợi thế trong công việc của chúng ta. Đó là: (1) Trao đổi trực tiếp; (2) Báo cáo tiến độ; (3) Thuyết minh chủ đề và giải thích sự cố; (4) Viết email và viết tài liệu; (5) Gọi điện thoại. 

Khi trao đổi trực tiếp một vấn đề, việc diễn đạt mạch lạc được nội dung là điều quan trọng nhất, chuyên nghiệp hơn thì nói chuẩn ngữ pháp. Muốn đạt được cả 2 mục tiêu đó một cách nhanh chóng nhất, bạn hãy thử áp dụng các phương pháp rất đơn giản sau nhé!

Học cả cụm từ, không học từng từ

Hãy tập trung vào học thuộc các câu hay dùng nhất, hãy học cả câu, thay vì từng từ rồi tùy tiện ghép vào nhau vừa mất thời gian suy nghĩ vừa không chính xác.

Mỗi bạn nên tự lập cho mình 1 danh sách các câu tiếng Nhật chuẩn hay dùng khi giao tiếp hàng ngày với khách hàng, tùy vào vai trò, nội dung công việc của mỗi người mà danh sách đó sẽ khác nhau. Ví dụ, trong danh sách mình tự tổng hợp từ những ngày đầu qua Nhật thì có các câu như sau: 

① Anh ABC, bây giờ anh có thời gian không, tôi muốn hỏi anh về vấn đề đăng ký user ID cho offshore

ABCさん、すみません、今からお時間大丈夫ですか。ちょっと、オフショア側のユーザーID申請の件について、聞きたいことがあるんですが、...

② Về sự cố đã phát sinh khi release trên môi trường thật hồi cuối tháng 10, tôi hiểu là bên Nhật sẽ đối ứng giải quyết sự cố này cho chúng tôi có đúng không?

10月末のところに本番リリース時に発生した障害についてですが、日本側に対応していただくという認識であっていますか?

③ Vấn đề nâng cấp phiên bản của tài liệu hướng dẫn sử dụng, vì offshore đang ưu tiên việc phát triển của dự án ABC nên chúng tôi dự định sẽ bắt đầu thực hiện nâng cấp vào ngày 12 tháng nay và sẽ cố gắng hoàn thành trước ngày 17.

手順書のバージョンアップの件ですね、オフショア側のメンバーはABC案件の開発を優先して対応してもらっていますので、バージョンアップは今月の12日から開始を予定して、17日までに終わらせるように頑張ります。

④ Lỗi này là dongười review bên phía offshore đã không review tất cả các step mà chỉ review một vài step mà anh ta nghĩ là xác xuất sai cao

オフショア側のレビューアはすべてのステップではなく、間違える可能性が高いステップだけを確認したということが原因でこのような指摘が発生してしまいました。

Những câu này mình thu lượm được từ những lần đi họp với người Nhật hoặc từ email họ gửi. Không chỉ lưu lại cách diễn đạt, câu nào trong danh sách cũng được lồng ghép các cụm từ hay sử dụng trong ngành IT để khi bỏ thời gian ra học 1 câu cũng là học được cả cách diễn đạt và cả từ vựng chuyên ngành. 

Vận động mọi giác quan

Có nhiều bạn hôm nào cũng ôm quyển sách luyện thi N, học hết bộ nọ, đến bộ kia, làm rất nhiều đề, thi đỗ N2 nhưng khi giao tiếp với khách hàng không bật ra được dù chỉ 1 câu đơn giản, đó là vì các bạn chỉ sử dụng thị giác để học. 

Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng khi học một cái gì đó, nếu bạn sử dụng càng nhiều giác quan 1 lúc, bạn sẽ càng nhớ nhanh và nhớ được lâu. Nếu chỉ dùng mắt, bạn sẽ phải nhìn thấy nó trung bình 9 lần mới ghi nhớ được, nếu dùng cả mắt và tai, phải 5 lần bạn mới nhớ, nếu dùng cả mắt cả tai cả miệng, bạn chỉ cần 3 lần là có thể ghi nó vào não. 

Vì vậy, khi học từ mới, hãy tra nghĩa của từ bằng hình ảnh (dùng google images), vì hình ảnh bao giờ cũng dễ nhớ hơn từ ngữ, hãy để bàn tay viết ra từ đó, hãy để mắt nhìn thấy từ đó viết thế nào, hãy để miệng phát âm ra từ đó và hãy để tai nghe thấy từ đó phát âm như thế nào. 

Có thể đã phối hợp nhiều giác quan 1 lúc để học mà bạn vẫn quên khi gặp lại nó lần 2? Không sao cả! Đó là điều bình thường! Lần 1 gặp không nhớ nhưng không phải vô ích, gặp nhiều lần ắt sẽ nhớ nhưng muốn có nhiều lần thì phải có lần 1, lần 2.

Học nói với tốc độ nhanh 

Nói đúng rồi, giờ muốn chuyên nghiệp hơn thì phải nói nhanh! 

Trước khi nói nhanh được cả câu thì bạn hãy tập nói nhanh từng từ đã. Mình học được 1 bí quyết từ con gái. Con đi học ở trường tiểu học bên Nhật, hôm đó trên lớp có học từ mới コンビニエンスストア(convinience store), cô giáo giao bài tập về nhà cho con luyện nói từ đó 10 lần với tốc độ càng nhanh càng tốt. Và quả thật sau đó thì con không thể nói chậm từ đó nữa vì quen nói nhanh rồi!

Không chỉ từng từ đơn, ngay cả cấu trúc ngữ pháp, các cụm từ hay dùng hàng ngày, bạn cũng nên luyện nói với tốc độ nhanh, ví dụ:

...させていただきたいと思います。 

...いただけますでしょうか。 

...してもらっていいですか。

...た方がいいかなと思います。 

...なんですけれども、

...してもらうように頼みました。

...というふうに思っています。

...という話としました。

Học tiếng Nhật, sống ở Nhật thì các bạn đều biết, nhiều chuẩn mực lắm. Đó là khó khăn nhưng nếu biết tận dụng thì nó chính là thuận lợi trong việc học tiếng. Có chuẩn thế rồi, cứ thế mà thuộc thôi! Gặp đúng hoàn cảnh đó, cứ thế bật câu đó ra, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, mà lại đảm bảo chuẩn không cần chỉnh!

Nếu bạn nói nhanh được cả từ, cả cụm từ, cả câu, thì bạn cũng sẽ có thể nghe và hiểu một cách dễ dàng khi người khác nói nhanh. 

Mỗi lần giao tiếp với khách hàng là 1 cơ hội luyện tập giao tiếp

Trong cuộc họp, bạn muốn giải thích nguyên nhân vì sao năng suất của offshore quý này lại thấp hơn quý trước mà loay hoay mãi không biết làm thế nào diễn đạt sang tiếng Nhật 1 cách mạch lạc, rõ ràng được. Bạn thất bại, nhưng đừng thất vọng! Hãy bình tĩnh nói với khách hàng mình sẽ giải thích lại qua email ngay sau cuộc họp này. Viết thì dễ hơn nói đúng không? Nhưng đó chỉ là cách chữa cháy tạm thời thôi nhé! Đừng để lần nào cũng phải chữa kiểu đó! Ngay hôm đó, bạn hãy nghĩ lại xem đáng lẽ ra lúc đó mình phải nói như thế nào để khách hàng hiểu, nếu không tự nghĩ được, hãy nhờ những người có kinh nghiệm viết ra câu tiếng Nhật chuẩn trong trường hợp đó, và bạn sẽ học thêm được một cách giải thích, trình bày và lần sau những tình huống tương tự như thế không làm khó bạn được nữa!

Đọc báo thiếu niên – nhi đồng của Nhật

Bạn đã bao giờ thử đọc báo thiếu niên - nhi đồng (Yomiuri Kodomo) của Nhật chưa? Báo rất rẻ, (chỉ với 550 yên cho cả tháng 4 số), vì là báo dành cho trẻ em nên được trình bày rất đẹp mắt, nội dung không quá chuyên sâu về vấn đề gì nên khá dễ hiểu, lại có Furigana cho tất cả các chữ Kanji, .. vô cùng phù hợp cho người nước ngoài học tiếng Nhật. Các bài báo đều được viết ra cho trẻ em tiểu học nên bạn cũng sẽ học được cách đơn giản hóa khi trình bày, diễn đạt một vấn đề. 

Đón xem phần tiếp theo: ĐỂ NGHE TỐT. 

Nguyễn Thu Hiền – Osaka, 5/2019 

Đánh giá bài viết

Thích thì like
ĐỂ TIẾNG NHẬT KHÔNG CÒN LÀ NỖI SỢ HÃI CỦA BRSE. Phần 1: Nói tốt
5/5 1 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook