algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

Chuyện cưỡng chế thu thuế ở Nhật

Chuyện cưỡng chế thu thuế ở Nhật


Cộng đồng Việt Nhật: 3919019368114711 (https://www.facebook.com/groups/229244010425617/permalink/3919019368114711/)

Vào một ngày đẹp trời, bạn kiểm tra tài khoản và phát hiện bị mất một khoản tiền với nội dung 差し押さえ/サシオサエ(Sashiosae), thì xin chia buồn là bạn đã bị Nhà nước cưỡng chế tài sản. Đây là hậu quả của việc nộp chậm bảo hiểm quốc dân, nenkin (lương hưu), thuế… hoặc ti tỉ các khoản phải đóng cho nhà nước khác mà bạn mãi không chịu đóng, và phớt lờ các thông báo giục đóng tiền nhiều lần khiến chính quyền địa phương buộc phải dùng đến biện pháp mạnh là cưỡng chế.

Nếu bạn nghĩ: “Dại quá, lẽ ra không nên bỏ tiền vào tài khoản ngân hàng”, thì bạn nên cảm thấy may mắn vì đây đã là cách làm nhẹ nhàng nhất.

📷CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ NHÀ NƯỚC CƯỠNG CHẾ TÀI SẢN:

1. Rút trực tiếp từ tiền gửi ngân hàng. Như đã nói ở trên, đây là cách gọn nhẹ và trực tiếp nhất, không ảnh hưởng đến ai.

2. Gọi điện đến công ty người nộp chậm đang làm việc để trình bày về việc họ đang nợ các khoản abc, và thông báo sẽ trừ tiền nợ thẳng vào lương. Người nộp chậm có hai lựa chọn: cho rút sạch hoặc xin chia ra từng tháng. Có trường hợp không đóng bảo hiểm trong vài năm đi học, đến khi vừa xin được việc đã bị cơ quan chính quyền gọi đến công ty bóc phốt, khiến cho hình ảnh bạn ấy bị xấu đi trong mắt đồng nghiệp rất nhiều.

3. Đến nhà tịch thu tài sản. Các tài sản thu được sẽ bị rao bán đấu giá trên internet để lấy tiền trừ vào khoản nộp chậm, nhiều khi tiền bán được còn thấp hơn tiền mua (tham khảo clip lực lượng Thuế đi cưỡng chế tài sản tại đây: https://www.facebook.com/592640368042989/videos/338341600862299)

Ngoài ra còn nhiều phương pháp cưỡng chế khác như rút từ khoản phải thu của những người làm kinh doanh, rút từ tiền bảo hiểm của những người mua bảo hiểm nhân thọ,…

📷BỊ CỘNG THÊM TIỀN PHẠT:

Tất nhiên, khi đã không đóng tiền đúng thời hạn thì người nộp chậm sẽ phải đóng thêm tiền phạt, nộp càng trễ thì tiền phạt càng lớn, được tính theo từng ngày. Tùy từng khu vực mà quy định nộp phạt khác nhau, nhưng tất cả đều được ghi rõ trên thông báo nhắc nhở đóng tiền. Thông thường, đóng trễ dưới 1 tháng thì lãi suất phạt là 2.6%/năm, quá 1 tháng sẽ bị tăng lên thành 8.9%/năm.

📷LÀM GÌ KHI BỊ CƯỠNG CHẾ:

Vì khi đã cưỡng chế thì chính quyền sẽ thu một lần cho hết nợ luôn, nên nếu số tiền bị cưỡng chế quá lớn khiến cho cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng, thì bạn nên lên Ủy ban địa phương (市役所/区役所) nơi sinh sống để trình bày hoàn cảnh và xin chia nhỏ ra đóng dần dần.

Mỗi khoản thu đều có ý nghĩa của nó, hầu hết đều tỷ lệ thuận theo mức thu nhập nên cũng rất công bằng. Bảo hiểm quốc dân hỗ trợ tới 70% chi phí khám bệnh, tuy hôm nay mình khỏe mạnh nhưng ai biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, có bảo hiểm vẫn yên tâm hơn. Nenkin được nhà nước trả hàng tháng kể từ khi người lao động đạt 65 tuổi, nếu người nước ngoài về nước trước thời điểm đó và không nhận nenkin thì có thể làm thủ tục xin hoàn lại số tiền đã nộp. Thuế dùng để xây dựng cơ sở vật chất, phúc lợi xã hội phục vụ cho sinh hoạt của người dân… Ngoài ra, việc trốn đóng các khoản cần thiết sẽ gây ảnh hưởng đến việc gia hạn visa cũng như tương lai định cư ở Nhật. Nếu quá khó khăn bạn hãy lên Ủy ban xin tư vấn, hoặc đăng ký phụ thuộc để được miễn giảm nhé.

Đánh giá bài viết

Thích thì like
Chuyện cưỡng chế thu thuế ở Nhật
5/5 1 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook