algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

Câu chuyện quốc tịch Nhật Bản


*Chuyện này trên mạng, k phải của mình

 Phần 1

Hôm nay bên Sở tư pháp đã gọi điện thoại cho mình, hẹn ngày cả hai vợ chồng đến lấy chứng nhận quốc tịch NB cho hai đứa con. Như vậy, vừa tròn một năm kể từ ngày bắt đầu làm thủ tục xin đổi quốc tịch.

 

Chọn lựa nhập quốc tịch NB hay giữ quốc tịch VN sẽ không bao giờ có câu trả lời đúng hoặc sai. Bởi vì, điều này hoàn toàn tùy vào quan điểm, suy nghĩ, hoàn cảnh và dự định trong tương lai của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình VN đang sinh sống tại NB.

 

Hơn 6 năm trước, khi nhân viên tư vấn của Sở tư pháp địa phương nơi đến để hỏi về thủ tục xin nhập quốc tịch NB hỏi rằng: 

 

- Vợ của anh hiện tại thì chưa đủ điều kiện nhưng các con của anh đã đủ điều kiện để có thể lấy quốc tịch NB rồi. Anh định như thế nào?

 

- Cảm ơn sự tư vấn nhiệt tình của bác (※), tuy nhiên cháu nghĩ rằng đây chưa phải là thời điểm có thể đưa ra quyết định. 

 

Bác ấy lại hỏi. 

- Tại sao lại không thể ? 

 

- Dạ thưa bác, chẳng có lý do gì quá đặc biệt. Đơn giản cháu nghĩ, hai con của cháu còn quá nhỏ, chúng không thể tự đưa ra quyết định vào lúc này, cháu sẽ để các con lớn thêm một chút khi đó sẽ hỏi ý kiến của chúng xem sao. 

Giả sử bây giờ cháu tự đưa ra quyết định thay cho các con, sau này khi tụi nó lớn, tụi nó hỏi cháu, tại sao ba đã tự đưa ra quyết định thay tụi con? Đó đâu phải là quyết định của tụi con! Cháu phải biết trả lời như thế nào đây?! 

 

Hãy để chúng lớn thêm một chút nữa.

Dù là con trẻ, chúng ta cũng cần phải tôn trọng quyết định của chúng! 

 

Với những trải nghiệm của mình, dù chúng ta có quốc tịch NB hay không thì đối với người Nhật họ vẫn xem chúng ta là người ngoại quốc. 

Điều này mình từng chiêm nghiệm và xác tín đó hoàn toàn chính xác và chúng ta phải chấp nhận sự thật đó. 

Giả sử một người Thái Lan sang VN sinh sống một số năm, họ đủ điều kiện và được nhập quốc tịch VN, tên của họ đương nhiên là tên người VN nhưng bạn có dám chắc rằng sẽ luôn nghĩ họ là người VN mình 100% không? 

 

Một năm trước, khi đứa chị đã vào lớp 4 tiểu học, đứa em đang ở học kỳ 2 của năm lớp 2, mình nghĩ đó là thời điểm thích hợp để hỏi và trao quyền quyết định cho các con. 

 

Cả hai chị em đều đồng ý sẽ chọn quốc tịch NB, chắc chúng cảm thấy thú vị, bất ngờ mà đồng ý đại với câu hỏi của ba nó chứ chẳng có khái niệm gì về quốc tịch cả! 

 

Mình cũng chẳng giải thích gì nhiều cho các con, đại khái chỉ nói sẽ có một vài thay đổi sau khi các con trở thành công dân NB. 

 

- Chẳng hạn ở trường học bảng tên của con sẽ thay đổi, những ai các con sẽ gặp sau này họ sẽ gọi các con bằng tên gọi mới, ba sẽ phiền hơn một chút với thủ tục xin visa lưu trú tại VN nếu chúng ta về quê hương mình trên 2 tuần lễ ( khi đó chưa có quy định mới như hiện giờ ). 

 

- Những người thân bên nội, bên ngoại, các anh chị em họ hàng với các con thì vẫn gọi các con bằng tên thân quen từ ngày các con có mặt trên đời này, đương nhiên ba mẹ vẫn cứ thích gọi các con bằng chính cái tên mà ba mẹ đặt cho các con ngay từ khi lọt lòng mẹ.

 

Quốc tịch chỉ là một thủ tục trên giấy tờ, về mặt pháp lý, thuận lợi, dễ dàng hơn cho các con sau này nếu muốn đi những nước phát triển để học tập, làm việc, phát triển cho bản thân và gia đình…

 

Rất nhiều người ở lại nơi này, mua nhà xây cửa, chọn đây là quê hương thứ hai đó có thể được gọi là cái “duyên”, giống chuyện vợ chồng, con cái đến với nhau, trở thành người thân yêu ruột thịt của nhau, đó bởi chăng là duyên là nợ? Khi ta “trả” xong nợ cho đời, nợ cho người thì ta sẽ chẳng phải giống “làn sương khói” kia, bay đi rồi sẽ tan biến sao!? Khi đó ai cũng sẽ có một “quốc tịch” mới 😊

 

(※) Bác ấy trạc tuổi như ba của mình nên xưng là “bác”

Phần 2: QUỐC TỊCH NHẬT BẢN - ĐƯỢC & MẤT

 

  Hôm trước sau khi chia sẻ về một bài viết liên quan đến quốc tịch NB, mình nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực, trong đó cũng có bạn muốn chia sẻ thêm về những điều được và mất, chọn hay không chọn quốc tịch Nhật. Do đó, nay mình xin chia sẻ thêm một chút về đề tài này. 

 

  Bạn bè người VN của mình thì không, nhưng những đồng nghiệp, hàng xóm người Nhật kể cả đã biết nhau từ lâu hay những người lần đầu gặp gỡ, trò chuyện, khi biết mình đã trở thành công dân Nhật thì họ thường hay hỏi: 

“Tại sao anh lại đổi quốc tịch NB?” 

Hoặc: 

“Vợ của anh là người Nhật phải không? “

 

- Dạ, không phải, vợ tôi là người VN. Tôi đã đổi quốc tịch vài năm trước, nhưng vợ tôi thì không và có lẽ cô ấy sẽ không có ý định thay đổi quốc tịch! 

 

Còn với câu hỏi: Tại sao anh lại đổi quốc tịch NB? 

Mình trả lời họ như sau: 

 

- Xin lỗi, tôi không thể trả lời. Thậm chí, đã có lúc tôi tự hỏi tại sao tôi lại đưa ra quyết định đó! 

 

  Để người nghe chưng hửng với câu trả lời, rồi mình cười trừ cho qua câu chuyện. Cứ như vậy mình chưa bao giờ có thể trả lời một cách rõ ràng, chính xác nhất.  

 

  Trong suốt hành trình cuộc đời, mỗi ngày sống của chúng ta sẽ xuất hiện những câu hỏi, những vấn đề dành riêng cho mỗi người. Ngay cả câu hỏi đơn giản nhất như: 

Trưa nay mình ăn gì? 

Tối nay mình sẽ nấu món gì cho chồng cho con? 

Sáng mai lại cho cả nhà ăn chứng chiên hay bánh mì nhỉ? 

 

  Cứ thế, chưa mở mắt đã phải nghĩ sẽ ăn gì, chưa xong bữa sáng trong đầu đã phải nhảy số “sẽ ăn gì” cho bữa trưa và bữa tối. 

Một vòng lẩn quẩn, có đáp án trước nhưng không bao giờ có đáp số đúng. 

Chỉ riêng nghĩ về điều này không thôi thì chẳng phải các bà, các mẹ, các chị đã phải mệt mỏi lắm hay sao! Hãy thông cảm, đồng cảm với họ hỡi những ông chồng. 

 

  Nói như vậy để mọi người thấy, chuyện lớn như quyết định đổi quốc tịch, mua một căn nhà, chọn một công việc hay chọn người bạn đời là một quyết định chọn lựa vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta cần phải cân nhắc thật kỹ. 

 

  Có rất nhiều chọn lựa cho phép chúng ta có cơ hội sửa chữa nếu mắc phải sai lầm, chọn công việc sai vẫn có nhiều cơ hội để thay đổi sau khi tích cực tìm những giải pháp nhưng bí đường, về chuyện gia đình mặc dù mình không bao giờ khuyến khích suy nghĩ giải quyết theo hướng cùng này, tuy nhiên vẫn có thể buộc phải chia tay người vợ/chồng của mình khi không còn lựa chọn nào khác. Nhưng vấn đề chọn quốc tịch thì các bạn sẽ không có cơ hội lần thứ hai! 

 

  Chọn thay đổi hay giữ quốc tịch cũng chưa hẳn là một chọn lựa hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người. Bạn phải thoả các điều kiện cần và đủ. Ví dụ, bạn phải có thời gian sinh sống, làm việc một thời gian theo quy định, trong suốt thời gian đó không phạm pháp, đóng thuế đầy đủ, không vi phạm luật giao thông nếu lái xe, trình độ tiếng Nhật cũng phải tương đối...

 

  Có nhiều người khi còn độc thân ít nghĩ đến việc đổi quốc tịch, nhưng nếu đã lập gia đình và đặc biệt có con cái khi đó buộc người trong cuộc sẽ suy nghĩ nhiều hơn và sâu hơn. Lúc đó chúng ta thường có xu hướng nghĩ cho gia đình nhiều hơn là cho cá nhân! 

Cụ thể chúng ta sẽ nghĩ đến tương lai của các con, trí tưởng tượng của cha mẹ khi đó không phải chỉ nằm trong khoảng nhỏ 1 vài năm mẫu giáo đầu đời của các con mà phải "tính toán" sau khi con đi học tiểu học, lên trung học,...tóm lại cha mẹ sẽ có xu hướng nghĩ cho tương lai của con cái mình nhiều hơn bất cứ điều gì. 

 

  Nhật Bản thuộc một trong số những quốc gia chỉ cho phép mang một quốc tịch, điều đó có nghĩa khi bạn chọn quốc tịch NB thì bạn buộc phải từ bỏ quốc tịch mình đang có. 

 

  Câu hỏi đặt ra là luật quốc tịch NB khắt khe hay bảo thủ như vậy mà tại sao vẫn có rất nhiều người mong được cầm quyển hộ chiếu NB trong tay? 

Chúng ta được gì và mất gì khi trở thành công dân Xứ sở mặt trời mọc này? 

Xin thưa, không có câu trả lời chính xác. Mọi cái tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn hay chính xác hơn tùy vào mong cầu của chính bạn và gia đình. 

 

  Ngày hôm qua, vợ chồng mình đã đến nhận " Giấy chứng nhận người được nhập tịch” ( 帰化者の身分証明書)dành cho hai đứa con, sau đó tiện thể chạy qua Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương để gửi trả lại hai thẻ lưu trú, vẫn còn thời gian vợ chồng mình lại chạy đến Văn phòng hành chính quận để đăng ký hộ tịch cho hai con. 

 

  Kể từ nay, hai con sẽ có tên họ mới theo cha, nhưng mình vẫn luôn nói với các con tên họ không làm nên đức hạnh và phẩm giá của con. 

Quốc tịch chỉ như là một tấm áo che thân, các con có mặc tấm áo ấy hay không mãi vẫn là con của ba mẹ, điều này vĩnh viễn không thay đổi. 

 

  Ai cũng mong cho bản thân, gia đình và con cái có một tương lai tốt hơn, dẫu biết rằng ngày mai chưa tới, nhưng chính những hy vọng đó đang kéo chúng ta tiến về phía trước. 

 

  Song song với cuộc sống yên bình ở đây, ở một khu vực cách chúng ta khoảng hơn 12 ngàn km, chiến tranh đang diễn ra, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một sợi chỉ, chắc hẳn mọi người ở đó không còn nghĩ đến những vấn đề quốc tịch hay nhà cửa! Điều chúng ta có thể làm trong lúc này là những lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho hoà bình của thế giới, cầu nguyện cho chính mỗi người trong chúng ta. 🙏

Đánh giá bài viết

Thích thì like
Câu chuyện quốc tịch Nhật Bản
5/5 1 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook