algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

Về vấn đề hỗ trợ con cái học tập ở Nhật


Có nhiều người Việt Nam, trong đó có mình, hay suy nghĩ là: con nít còn nhỏ, cứ cho nó đi học ở trường thì tiếng Nhật không cần phải lo gì, cái đáng lo là lo không biết tiếng Việt. Nay đọc thấy bài viết này, làm mình thay đổi hẳn suy nghĩ đó. Nuôi dạy con ở nước ngoài chưa bao giờ là 1 vấn đề đơn giản, nhưng nếu mình nhận ra được vấn đề sớm hơn thì có thể có hành động kịp thời hơn.

Nguyên nhân được chỉ ra trong bài viết này, theo mình cái chính vẫn là phía ba mẹ, vì ba mẹ không hiểu/ biết tiếng Nhật nên không thể theo được và giao tiếp, hỗ trợ con cái học hành. Mà tình trạng này thì ngay cả xung quanh mình, mình thấy cũng rất nhiều.

Có nhiều bạn kỹ sư có vợ, con ở Nhật nhưng cả 2 vợ chồng không ai biết tiếng Nhật; hay có rất nhiều đơn hàng kỹ sư “bao tiếng, bao đỗ” và cũng có rất nhiều người muốn đi những đơn hàng như vậy, vì nó “dễ”, “đơn giản, khỏi học chi cho mệt”, “con còn nhỏ, đưa qua cho đi học là xong”.

Nhân vật trong bài viết này là người Brazil, nhưng nội dung câu chuyện thì nó cũng chẳng xa lạ gì với các gia đình Việt Nam đang sinh sống ở Nhật.

Nên mình dịch bài này, với hy vọng chia sẻ chút thông tin với cộng đồng. 20/6/2019

Nói được nhưng không hiểu!

Cùng với số lượng người nước ngoài đang tăng đột biến thì số lượng trẻ em người nước ngoài cũng tăng theo. Trong bối cảnh đó, thì 1 vấn đề nổi cộm lên trong các trường học Nhật Bản chính là tự gia tăng của số lượng trẻ em cần được kèm cặp thêm về tiếng Nhật. Những đứa trẻ không biết gì về tiếng Nhật khi đến Nhật tăng lên thì dĩ nhiên, số trẻ cần phải kèm cặp thêm về tiếng Nhật cũng tăng theo. Tuy nhiên, vấn đề lại có vẻ như không hề đơn giản như vậy. Ở đó còn có 1 “rào cản” khác, đó là “rào cản” gì? Chúng tôi đã thử đi tìm hiểu thực tế. (Phóng viên đài truyền hình Fukui-Fujita Yoko)

Trung tâm hỗ trợ học tập “Ola, Vamos”

Nơi chúng tôi đi thực hiện phóng sự là thành phố Echizen, tỉnh Fukui, nơi có lượng người nước ngoài chiếm 5% dân số. Trong thành phố có công ty sản xuất phụ tùng hàng điện tử lớn nên có đông lao động người nước ngoài, phần lớn là người Brazil, sinh sống.

Và Trung tâm hỗ trợ học tập “Ola, Vamos” ở thành phố Echizen được thành lập vào tháng 10 năm ngoái, dành cho đối tượng là trẻ em người nước ngoài. Tên trung tâm trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “Nào, cùng cố gắng!”. Trung tâm được bắt đầu bởi những cựu giáo viên hay sinh viên tình nguyện muốn hỗ trợ những trẻ em người nước ngoài đang gia tăng ở địa phương.

Có khoảng 40 trẻ em, phần lớn nói tiếng Nhật rất trôi chảy nhưng…

Được biết trung tâm hỗ trợ học tập mở cửa vào thứ 2 hàng tuần nên chúng tôi đã đi xem thử.

Vào lúc khoảng 4 giờ chiều, khi trung tâm bắt đầu mở cửa thì trẻ em từ khoảng lớp 1 tới khoảng hơn 15 tuổi bắt đầu lũ lượt tập trung lại. Có tất cả khoảng 40 em đến học và hầu hết là người Brazil

Các em khi đến lớp thì chào to, khỏe mạnh “Tadaima” (em đã về ạ) bằng tiếng Nhật rồi nhanh chóng chuẩn bị vào học. 1 giáo viên tình nguyện thì thường kèm 1 đến 2 em và bắt đầu giờ học.

Tôi đã tưởng là, trung tâm hỗ trợ học tập là nơi mà những trẻ em hầu như không biết gì về tiếng Nhật đến để học tiếng Nhật căn bản như những “Lớp học tiếng Nhật” bình thường khác. 

Tuy nhiên, khi quan sát lớp học thì tôi nhận ra rằng, các trẻ em người nước ngoài tất cả đều sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp. Bất ngờ hơn, là trong số đó có rất nhiều em nói tiếng Nhật không khác gì người Nhật.

Nhưng thông qua nhiều lần viếng thăm lớp học và quan sát quang cảnh học tập, tôi dường như đã nhận ra được vấn đề, đó chính là có 1 “rào cản” vô hình.

Tiếng Nhật là tiếng mẹ đẻ

Trong số đó, tôi lưu ý đến 1 em gái, là người Brazil tên Shiozawa Rumi (14 tuổi) là học sinh lớp 9. Rumi đi học đều đặn vào thứ 2 hàng tuần và làm bài tập rất chăm chỉ.

📷Shiozawa Rumi (14 tuổi)

Hỏi chuyện em thì được biết, khi em 4 tháng tuổi, em đã đến Nhật cùng với bà và mẹ. Vì lớn lên ở Nhật nên tiếng Nhật rất lưu loát, và trả lời những câu hỏi của tôi 1 cách trơn tru nên tôi có ấn tượng, đây thật là 1 cô bé thông minh.

Em nói là ở nhà cũng sử dụng tiếng Bồ Đào Nha nhưng vì từ tiểu đã đi học trường công lập của Nhật nên “tiếng Bồ Đào Nha em dỡ lắm. Tiếng Nhật mới là tiếng mẹ đẻ”

Em không biết mình không hiểu cái gì

Rumi giỏi về khả năng ghi nhớ. Bài kiểm tra Kanji (chữ Hán) em cũng thường đạt 100 điểm hay các câu hỏi dạng lựa chọn phương án trả lời em cũng khá giỏi.

Nhưng em nói rằng, kể từ khoảng năm lớp 4, khi có nhiều câu hỏi dạng đoạn văn thì em bắt đầu cảm thấy khó theo kịp giờ học. Trong đợt kiểm tra đánh giá học lực định kỳ lớp 9 năm nay, tổng điểm 5 môn học của em chưa đến 200 điểm.

Cô Matsubara Kayoko cho biết, khi Rumi mới đến lớp học lúc đầu, cô đã nhận ra rằng em không có đủ khả năng đọc hiểu những bài đọc hiểu như trong sách giáo khoa.

📷Cô Matsubara Kayoko

“Rumi đến trung tâm lúc học năm lớp 8 nhưng những từ chắc chắn đã được học ở lớp 4 như “phân số” hay “chia phần đều nhau” em hoàn toàn không hiểu. Vì vậy, tôi phải lấy ví dụ thực tế là cắt cái bánh ra làm 3, lấy đi 1 phần thì có nghĩa là 1 phần 3, thì cuối cùng em mới hiểu được vấn đề.”

Quan sát em học thì quả đúng là, Rumi có thể đọc sách giáo khoa làu làu nhưng cũng có lúc em nói “em không hiểu ý nghĩa đoạn văn viết gì”, “em không hiểu được” rồi lấy tay ôm mặt. 

Tại sao lại không hiểu, tôi hỏi thử nguyên nhân thì…

“Em nghe được bài giảng, đọc được sách nhưng không hiểu từ chỗ nào, không hiểu vì cái gì thì em cũng không biết nữa. Đó là chính là điểm mà em gặp khó khăn nhất.”

Quan sát lớp học thì tôi nhận thấy rằng, có nhiều em đến Nhật từ nhỏ hay sinh trưởng ở Nhật nhưng đến khoảng tiểu học hay trung học thì bắt đầu không theo kịp bài giảng, giống như trường hợp của Rumi.

Rumi có vẻ như không phải là trường hợp cá biệt.

Hội thoại hàng ngày thì câu ngắn, lượng thông tin ít ỏi

Tại sao sinh trưởng ở Nhật mà không có đủ khả năng đọc hiểu? Tôi đã thử hỏi chuyện Tiến sĩ Sato Gunei, chuyên gia về chính sách di dân hay giáo dục dị biệt văn hóa ở Đại học Meiji.

“Trong số những trẻ em đến Nhật từ lúc còn nhỏ, có nhiều trường hợp hầu như không nhận được sự hỗ trợ về mặt học tập từ gia đình, tuy nhiên khả năng hội thoại thì có được 1 cách tự nhiên thông qua quá trình sinh sống. Mặt khác, lúc nói chuyện thì có thể dùng ngôn ngữ tay chân hay những cách nói, từ vựng có nghĩa đại khái chung chung, không rõ ràng cũng có thể hiểu nhau được. Nói cách khác, nói chuyện hàng ngày thì chỉ toàn câu ngắn, lượng thông tin quá ít ỏi. Trong khi đó, đi học ở trường thì lượng từ vựng sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, đối với những trẻ em người nước ngoài, ngoài trường học ra thì hầu như không có cơ hội khác để nắm bắt số lượng từ hay khái niệm nghĩa của từ. Vì vậy, càng học lên cao thì câu văn càng phức tạp, dù cho có đọc được nhưng cũng không hiểu được ý nghĩa”.

Rào cản “ngôn ngữ học tập”

Những từ ngữ hay khái niệm cần cho việc học này gọi là “ngôn ngữ học tập”, được Bộ giáo dục và khoa học tập hợp lại trong tài liệu dành cho việc hỗ trợ học tập đối với học sinh người nước ngoài, đối với hội thoại hàng ngày thì khoảng 1,2 năm có thể đạt được mức độ đó.

Trong khi đó, tài liệu cũng giải thích rằng, để có thể nắm bắt được “ngôn ngữ học tập” để có thể theo kịp giờ học ở trường, thì cần phải học tiếng Nhật “đọc”, “viết” trên 5 năm. Ví dụ, trường hợp người Nhật học tiếng Anh cũng vậy. Để có thể nói chuyện hội thoại thông thường thì không cần vốn từ vựng quá nhiều. Tuy nhiên, nếu cần phải đọc hiểu bài tiếng Anh dài, dùng tiếng Anh để diễn đạt giải thích chuyên môn thì chắc chắn phải cần nhiều từ vựng cùng với đó là nhiều ngữ pháp, khái niệm phải học thuộc. Liên tưởng việc này giống như trẻ em người nước ngoài học tiếng Nhật thì chắc mọi người sẽ hiểu được mức độ vất vả như thế nào.

Thử đi thăm nhà của Rumi

Tôi đến thăm nhà của Rumi vào giờ cơm chiều, và sau đây là đoạn hội thoại giữa Rumi và mẹ bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Nhật.

「No rồi hả?」(Mẹ-tiếng Bồ Đào Nha)

 「Hơi no」(Rumi-Tiếng Nhật)

 「Phải ăn nhiều vô mới được」(Mẹ-tiếng Bồ Đào Nha)

 「Tại sao」(Rumi-Tiếng Nhật)

 「Để lớn chứ sao」(Mẹ-tiếng Bồ Đào Nha)

 「Không thích」(Rumi-Tiếng Nhật)

Trong nhà không có tivi hay báo chí, và tôi cũng không nhìn thấy quyển sách viết bằng tiếng Nhật nào. Nói chuyện với mẹ bằng tiếng Nhật em cũng dùng những từ rất rất đơn giản để mẹ hiểu. “Em không muốn nói chuyện phức tạp. Có chuyện gì muốn hỏi mẹ, định nói ra mà thấy tội nghiệp cho mẹ quá nên thôi không hỏi” (Rumi)

Việc không có khả năng về “ngôn ngữ học tập” là việc như thế nào, tôi nghĩ là mình đã hiểu ra một phía của vấn đề.

Luật sẽ được ban hành nhưng…

Hiện nay, có 1 dự luật đang được mang ra bàn thảo để tiến tới thông qua ở quốc hội. Đó là “Luật xúc tiến giáo dục tiếng Nhật

Cho đến bây giờ, hầu như không có 1 chương trình giảng dạy tiếng Nhật mang tính toàn quốc dành cho trẻ em người nước ngoài mà hầu hết chỉ dừng lại ở mức độ các trường tự thực hiện việc giảng dạy tiếng Nhật cơ bản. Hoàn toàn phó mặc cho các trung tâm tình nguyện như trung tâm hỗ trợ học tập ở thành phố Echizen hay các NPO và chính quyển địa phương.

Dựa trên tình hình đó, trong luật mới lần này cũng ghi rõ, việc thực hiện chính sách xúc tiến giáo dục tiếng Nhật là “nghĩa vụ của nhà nước và các cơ quan đoàn thể địa phương”

Tuy nhiên, tiến sỹ Sato cũng chỉ ra rằng, đồng thời với việc thực thi và đánh giá luật mới này thì việc thực thi các chính sách hỗ trợ học tập cũng không thể thiếu được.

“Trước giờ, việc giáo dục tiếng Nhật dành cho trẻ em người nước ngoài, trong đó bao gồm “ngôn ngữ học tập”, chưa hề được đưa ra bàn luận. Có thể nói rằng, trong việc giáo dục tiếng Nhật này, các tình nguyện viên ở địa phương đã đóng vai trò rất lớn, và việc đó đồng thời cũng phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Luật mới được thực thi thì việc đó sẽ tiến triển như thế nào. Cần phải đào tạo nhà chuyên môn về giảng dạy tiếng Nhật nhưng việc đó liên quan đến ngân sách như thế nào…những vấn đề này, tôi nghĩ, cần phải được đưa ra bàn thảo một cách rõ ràng (Tiến sĩ Sato)

Thay lời kết

“Bất kỳ đứa trẻ bất kể quốc tịch nào, đều cũng có ước mơ và tôi mong muốn xã hội chúng ta trở thành 1 xã hội có thể giúp cho mọi đứa trẻ thực hiện được ước mơ đó”

Đây là câu nói của tất cả giáo viên đang giảng dạy tình nguyện ở trung tâm hỗ trợ học tập thành phố Echizen.

Thông qua phóng sự lần này, tôi cảm nhận được 1 cách mạnh mẽ rằng, chúng ta phải hướng đến 1 môi trường học tập mà ở đó, những đứa trẻ như Rumi, những người sẽ là chỗ dựa cho xã hội Nhật Bản tương lai, có thể phát huy hết năng lực của mình.

(người dịch Điệp Huỳnh)

Link bài gốc tiếng Nhật ở đây:

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20190620/k10011961961000.html?utm_int=detail_contents_news-related_004

Đánh giá bài viết

Thích thì like
Về vấn đề hỗ trợ con cái học tập ở Nhật
5/5 1 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook