algolia search

Tìm thấy x bài viết trong xms.

Giới thiệu về PWA - Progressive Web Application

Giới thiệu về PWA - Progressive Web Application


Progressive Web Application (PWA) là xu hướng mới nhất trong phát triển ứng dụng di động sử dụng công nghệ Web. Đã được ứng dụng khá phổ biến trên thiết bị Android, tuy nhiên phải mãi đến phiên bản 11.3, Apple mới cho phép PWA trên hệ điều hành IOS.
Thực chất PWA không phải là một công nghệ mới, mà là một khái niệm để chỉ một nhóm các kĩ thuật với mục đích tạo ra trải nghiệm tốt hơn đối với các ứng dựa trên nền web (web-based application).

1. Khái niệm cơ bản về Progressive Web Application.

Một ứng dụng PWA có thể cung cấp các tính năng bổ sung dựa trên thiết bị hỗ trợ, cung cấp khả năng ngoại tuyến (offline), đẩy thông báo (push notification), giao diện và tốc độ tương đương ứng dụng Native và lưu trữ cục bộ các nguồn tài nguyên (local caching).
PWA được giới thiệu lần đầu bởi Google vào năm 2015, với mục đích mang lại thật nhiều lợi ích cho cả người dùng và các nhà phát triển.

Các Nhà phát triển (Devs) có thể xây dựng những ứng dụng tốt nhất chỉ với nền tảng Web. Đây là phương pháp luôn được quan tâm, bởi nó dễ dàng, và rẻ hơn so với xây dựng ứng dụng Native, đặc biệt khi xây dựng các ứng dụng đa nền tảng.

Một ứng dụng PWA là một website được phát triển bởi những công nghệ cho phép tối ưu trải nghiệm người dùng trên thiết bị mobile so với một website bình thường. Nó sẽ cho bạn cảm giác gần như đang sử dụng ứng dụng Native, bởi những tính năng sau:

  • Hỗ trợ Offline
  • Tải ứng dụng nhanh
  • Bảo mật tốt hơn
  • Có khả năng đẩy notification
  • Trải nghiệm full màn hình, không hề có thanh URL

Các nền tảng di động ngày càng hỗ trợ nhiều hơn đối với PWA, đã hỗ trợ đặt câu hỏi tới người dùng về việc thêm ứng dụng vào màn hình HOME khi họ ghé qua một website.
Nhưng trước hết, cần phân tích rõ tên gọi Progressive Web App bởi nó có thể gây ra nhầm lẫn. Có một định nghĩa khá chính xác cho tên gọi này: "PWA là các Web App, ứng dụng các tính năng hiện đại của các trình duyệt, giúp cho thiết bị Mobile có thể nâng cấp chúng tương đương với những ứng dụng thuần, hay ta quen gọi là ứng dụng native".

2. Progressive Web App với những công nghệ khác.

Ứng dụng Native

Phát triển Native Apps là phương pháp hiển nhiên bạn sẽ nghĩ tới khi xây dựng ứng dụng mobile. Với phương pháp này, chúng ta sử dụng ngôn ngữ lập trình Objective-C hay Swift cho IOS, Java/Kotlin đối với Android hoặc là C# đối với Window Phone.
Mỗi nền tảng lại có quy ước riêng, bao gồm các công cụ (widgets native) giúp mang lại trải nghiệm như mong đợi cho người dùng. Chúng có thể được xây dựng và phát hành thông qua các App Store riêng của mỗi nền tảng.

Tuy nhiên để có thể xây dựng ứng dụng đa nền tảng với phương pháp Native đòi hỏi quá trình học tập, nghiên cứu và cập nhật rất nhiều kiến thức cũng như quá trình thực chiến dài hơi. Giả sử bạn có một đội nhỏ hoặc bạn thích lập trình solo chẳng hạn, sẽ cần rất nhiều thời gian để học tập, cập nhật kiến thức công nghệ, môi trường phát triển trước khi bạn có thể xây dựng được ứng dụng cho cả 3 nền tảng trên. Bạn cũng sẽ phải dành thêm rất nhiều thời gian nữa cho việc quản lý các thư viện và sử dụng các workflows khác nhau giữa các nền tảng (ví dụ iCloud chỉ chạy trên IOS chứ không có trên Android).

Ứng dụng Hỗ hợp - Hybrid

Ứng dụng Hybrid được phát triển dựa trên nền tảng Web, nhưng sẽ được phát hành trên các App Store như ứng dụng Native. Công nghệ này có thể được hiểu là một FrameWork hay là một cách để đóng gói ứng dụng để nó có thể được gửi lên các App Store.

Một vài nền tảng phổ biến như là Phonegap hay Ionic. Và bản chất những gì bạn thấy sẽ là một trang website được tải và đọc cục bộ trên nền tảng WebView.

Kỳ vọng đặt ra khi xây dựng các Hybrid AppViết một lần, chạy ở mọi nơi. Bạn sẽ phát triển ứng dụng của mình với HTML/CSS/Javascript, thật tuyệt vời phải không?. Các thành phần của thiết bi (microphone, camera, network, GPS,...) được kết nối thông qua các JavaScript API.

Điểm trừ của việc phát triển ứng dụng Hybrid giống như việc thay vì bạn cố gắng làm thật tốt một công việc, bạn lại làm ở mức vừa phải nhiều công việc khác nhau. Vì vậy bạn sẽ tạo ra một ứng dụng chẳng tối ưu với nền tảng nào, bởi vì ứng dụng đó bỏ qua các đặc tính về tương tác với người dùng của từng nền tảng. Vì vậy, sẽ thật khó để xây dựng các ứng dụng phức tạp mà vẫn đạt hiệu suất cao.

Xây dựng ứng dụng với React Native

React Native đưa ra các phương pháp giao tiếp native đối với thiết bị di động thông qua Javascript API, tuy nhiên ứng dụng của bạn sẽ là ứng dụng Native, khác với việc bạn nhúng một website bên trong một WebView.

Vì vậy, để phân biệt với Hybrid App, khẩu hiệu của React Native sẽ là Học một lần, viết code ở mọi nơi. Có nghĩa là bạn vẫn sẽ xây dựng ứng dụng đa nền tảng, nhưng bạn vẫn có khả năng tạo ra những ứng dụng riêng biệt, cung cấp những trải nghiệm tuyệt vời đối với mỗi nền tảng.

Hiệu năng của ứng dụng sẽ tương đương với ứng dụng native, bởi những gì bạn xây dựng, về bản chất là một ứng dụng native, được phát hành trên App Store.

3. Các đặc điểm của Progressive Web App.

Trước hết thì PWA chỉ được hỗ trợ trên Android và IOS >=11.3.

PWA có một đặc điểm khác hoàn toàn với các công nghệ được nhắc đến ở phần trước, đó là nó sẽ không được phát hành trên App Store.
Đây là một ưu điểm quan trọng. App Store chỉ thực sự tốt khi bạn có thể tiếp cận hoặc may mắn được trở nên nổi bật và được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, trừ khi bạn nằm trong top 0.001%, còn lại sẽ rất khó để bạn thu được lợi ích khi có một vị trí nhỏ nhoi trong App Store.

PWA có thể được tìm thấy thông qua các công cụ tìm kiếm (Search Engines), và mỗi khi người dùng ghé thăm một PWA-website, trình duyệt sẽ phối hợp với thiết bị mà họ sử dung và đưa ra đề nghị cài đặt ứng dụng. Điều này thật sự mang lại lợi ích lớn, bởi vì chúng ta có thể áp dụng SEO vào ứng dụng của mình, dẫn đến việc sẽ ít phụ thuộc hơn vào việc trả tiền cho quảng cáo.

Không cần phát hành trên App Store cũng có nghĩa là bạn sẽ không cần sự chấp thuận của Google hay Apple để ứng dụng mình tạo ra đến với người dùng. Phát hành các bản cập nhật bất cứ khi nào mà không cần làm theo các tiêu chuẩn, tiến trình phát hành gò bó của nền tảng.

PWA về cơ bản là một ứng dụng web HTML5/responsive, với một vài công nghệ chủ chốt được giới thiệu gần đây, giúp hiện thực hoá những thuộc tính chủ chốt, tạo nên một mobile-web-application. Nếu bạn còn nhớ, thiết bị iPhone đầu tiên không hề cho phép phát triển ứng dụng native. Các Devs lúc đó được bảo rằng hãy phát triển ứng dụng HTML5 có thể cài đặt ngoài màn hình Home, tuy nhiên công nghệ lúc đó vẫn chưa sẵn sàng cho việc này.

PWA có thể chạy ở chế độ Offline.

Sự ra đời của Service workers cho phép ứng dụng luôn luôn có thể làm mới nội dung, bằng cách tải chúng xuống dưới background, đồng thời cung cấp khả năng hỗ trợ push notifications.

Khả năng chia sẻ của ứng dụng PWA cũng mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng, khi họ sẽ chỉ cần chia sẻ đường dẫn URL mà thôi.

4. Ưu điểm của Progressive Web App.

  • Ứng dụng PWA khá là nhẹ. Nếu như dung lượng của Native có thể lên đến 200MB hoặc hơn, thì một ứng dụng PWA có thể chỉ ở mức KBs.
  • Không cần có mã nguồn native trong ứng dụng.
  • Nỗ lực ứng dụng để tiếp cận với người dùng mới giảm rất nhiều (thay vì phải vào appstore, tải ứng dụng về cài đặt thì bây giờ chỉ cần mở một website để trải nghiệm).
  • Giảm đáng kể thời gian cho việc phát triển và phát hành cập nhật.
  • Hỗ trợ Deep Links tốt hơn với ứng dụng native thông thường.

5. Các khái niệm cơ bản

  • Responsive: Giao diện tương thích với kích thước của màn hình thiết bị.
  • App-like feel: Trải nghiệm Web gần giống với trải nghiệm App.
  • Offline support: sử dụng bộ nhớ của thiết bị để cung cấp trải nghiệm offline.
  • Re-engaging: Đẩy thông báo (notification), giúp người dùng khám phá lại ứng dụng một khi được cài đặt.
  • Discoverable: Các công cụ tìm kiếm và việc tối ưu hoá SEO có thể mang nhiều người dùng đến với ứng dụng của bạn hơn.
  • Fresh: Ứng dụng tự động cập nhật một khi online.
  • Safe: Ứng dụng sử dụng HTTPS
  • Progressive: Ứng dụng hoạt động trên mọi thiết bị, ngay cả các thiết bị cũ, mặc dù có thể chúng có ít tính năng hơn.
  • Linkable: Dễ dàng để chia sẻ, kết nối đến tới ứng dụng chỉ với đường dẫn URL

Trên đây là những tìm hiểu cơ bản về PWA, được mình tham khảo từ bài viết An introduction to Progressive Web Apps. Có khá nhiều điều đang chờ đợi từ phương pháp này phải không? Ở phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ phần tìm hiểu về các công nghệ chủ chốt để xây dựng ứng dụng PWA.

via Viblo

Đánh giá bài viết

Thích thì like
Giới thiệu về PWA - Progressive Web Application
0/5 0 votes

Bình luận

Hiển thị bình luận Facebook